Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh và Đình Châu Phú
Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh
Ảnh: Danh tướng Nguyễn Hữu Cảnh
Châu Đốc với lịch sử hình thành hơn 2.600 năm, bao thế hệ người dân Việt đã đến đây khai hoang, lập nghiệp từ thời hoang vu, mặt đất chỉ có cây cỏ và thú rừng, bao mồ hôi, xương máu đổ xuống để có một vùng đất lành cho mai sau. Khi nhắc đến lịch sử hình thành vùng đất này chúng ta không thể không nhớ đến vị đại thần có công lao to lớn khai phá vùng đất phía Nam của Tổ quốc – Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh.
Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh là một vị tướng quốc, một bậc công thần đời chúa Nguyễn Phúc Chu. Ông sinh năm 1650 tại làng Phúc Tín, huyện Phong Lộc, tỉnh Quảng Bình (nay thuộc xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình). Ông là con thứ ba của Tiết chế Chiêu Vũ hầu Nguyễn Hữu Dật.
Ngay từ khi còn nhỏ, Nguyễn Hữu Cảnh đã sớm bộc lộ được tài năng của mình, văn võ song toàn. Sống trong một gia đình truyền thống, giáo dưỡng, Nguyễn Hữu Cảnh càng lớn lại càng thể hiện tài năng không chỉ ở lĩnh vực quân sự khi trực tiếp tham gia trận mạc cùng cha, lập nhiều chiến công, mà còn có tài điều hành, tổ chức, thu phục nhân tâm, ổn định bộ máy quản lý và cuộc sống ở những nơi mới bình định.
Năm 1692, tình hình biên giới Việt – Chiêm căng thẳng. Vua Chiêm đem quân đánh Diên Ninh (Phú Yên). Chúa Nguyễn Phúc Chu sai Nguyễn Hữu Cảnh đem quân đánh dẹp. Vùng đất mới được đặt tên là trấn Thuận Thành và vị quan Trấn thủ đầu tiên vùng này là Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh.
Sau khi bình định trấn Thuận Thành, Nguyễn Hữu Cảnh đã tổ chức ngay cho nhân dân khẩn hoang, ổn định cuộc sống và thiết lập trật tự xã hội, trấn Thuận Thành ngày càng vững vàng phát triển. Trải qua 2 năm liền, ông đã gặt hái được nhiều kết quả, để lại nhiều dấu ấn như:
- Ổn định phủ Bình Thuận;
- Hòa đồng sắc tộc Chăm – Việt;
- Cải cách hài hòa nền văn hóa hợp chúng.
Với thành tích trên, ông được thăng chức Chưởng cơ, làm Trấn phủ Dinh Bình Khương (Khánh Hòa ngày nay).
Năm 1698, chúa Nguyễn Phúc Chu lại cử Nguyễn Hữu Cảnh làm Thống suất vào Nam kinh lược và thiết lập bộ công quyền, đặt nền pháp trị và xác định cương thổ quốc gia. Theo đường biển, quân của Nguyễn Hữu Cảnh đi ngược dòng Đồng Nai đến cù lao Phố (một cảng sầm uất nhất miền Nam bấy giờ). Sau đó, Nguyễn Hữu Cảnh thanh tra vùng đất Sài Gòn và đặt hai đơn vị hành chính đầu tiên tại Nam Bộ là huyện Phước Long và huyện Tân Bình, dưới quyền của phủ Gia Định.
Hai năm sau, Triều đình tái cử ông đi dẹp yên biên cương với chức Thống binh. Lần này, ông cũng dùng chính sách ôn hòa, đem nhân tâm thu phục lòng người là chính. Tương truyền khi thuyền quân của ông xuôi dòng Cửu Long, Nguyễn Hữu Cảnh đều ghé lại những nơi có người Việt ở như Châu Đốc, Vĩnh Nguơn,… để thăm và vấn an, đồng thời ông kêu những thổ quan tới khuyến dụ bảo họ đừng gây sự với dân Việt ngụ tại đây. Bởi đó, người dân vô cùng yêu mến và kính phục ông. Khi thuyền quân ra đi, nhân dân bơi xuồng, chèo thuyền đưa theo mấy dặm đường.
Trong những năm được chúa Nguyễn phái vào Nam, đi đến đâu Nguyễn Hữu Cảnh cũng mở rộng đất đai, an dân và xây dựng đơn vị hành chính để bảo vệ và phát triển cuộc sống cho mọi người nên rất được lòng dân và kính trọng. Khi ông đột ngột qua đời, người dân thương tiếc xây dựng nhiều đền, đình thờ ông như ở Chợ Mới, Châu Đốc, Sài Gòn, Đồng Nai…
Danh hiệu ông cũng được đặt tên cho một cù lao và một con sông đào, đó là cù lao Ông Chưởng ở Long Xuyên, tỉnh An Giang và sông Ông Chưởng ở hữu ngạn sông Tiền Giang.
Đình Châu Phú
Ở thành phố Châu Đốc có một ngôi đình còn giữ bản sắc phong của Triều đại Nhà Nguyễn ban tặng cho ông đó là Đình Châu Phú.
Tọa lạc tại góc đường Trần Hưng Đạo – Nguyễn Văn Thoại, thuộc phường Châu Phú A, thành phố Châu Đốc, Đình Châu Phú thể hiện những tinh hoa, những kiến trúc tiêu biểu vừa mang đậm dấu ấn nghệ thuật thời Nguyễn, vừa mang phong cách truyền thống của đình làng Nam bộ.
Ngôi đình do ông Nguyễn Văn Thoại đứng ra xây dựng, có nhiều ý kiến khác nhau về năm xây dựng đình, song chỉ ở khoảng năm 1817 (năm ông nhậm chức Trấn thủ trấn Vĩnh Thanh) cho đến năm 1829 (năm ông mất).
Ảnh: Đình thần Châu Phú
Từ đó đến nay, đã trải qua hơn 200 năm, tuy có sửa chữa, gia cố nhiều lần, nhưng vẫn giữ nguyên kiến trúc cổ kính, kiểu chữ “tam”, nóc có lầu, mái tam cấp, lợp ngói đại tiểu, nền lát gạch bông, tường gạch hồ vôi ô dước, cột gỗ căm xe và cà chất.
Trên nóc đình chạm khắc nhiều tượng đẹp, khỏe như:
- Bát tiên
- Lưỡng long tranh châu
- Lưỡng long chầu nguyệt
- Cá hóa long
- Chim, Công, Phụng, Sư tử…
Chánh điện gồm có 3 gian.
- Gian giữa là bệ thờ Nguyễn Hữu Cảnh – Thượng đẳng thần, Thoại Ngọc Hầu – Trung đẳng thần và thần Chánh phó Vệ Thuỷ.
- Hai bên là Tả Ban và Hữu Ban.
Trải qua bao thăng trầm lịch sử, Đình Châu Phú không chỉ mang giá trị về mặt kiến trúc, điêu khắc độc đáo mà còn là nơi lưu giữ những giá trị tinh hoa văn hóa, gắn kết cộng đồng của bao thế hệ, trong quá trình bảo vệ, xây dựng và phát triển quê hương, đất nước. Năm 1988, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ra quyết định công nhận đình Châu Phú là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.
Thành phố Châu Đốc có nhiều di tích lịch sử mà mỗi di tích đều có nét đặc trưng riêng về loại hình kiến trúc, thẩm mỹ mang đậm nét bản sắc dân tộc.